Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa VN và Lào

HIỆP ĐỊNH

QUÁ CẢNH HÀNG HOÁ GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO

 

Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào (dưới đây gọi tắt là hai Bên ký kết);

Với lòng mong muốn củng cố và mở rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác về kinh tế – thương mại, trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và tình đoàn kết đặc biệt;

Đã cùng nhau thoả thuận như sau :

 

Điều 1

  1. Hai Bên ký kết cho phép hàng hoá xuất khẩu đi nước thứ ba, hoặc nhập khẩu từ nước thứ ba về, hoặc hàng hoá vận chuyển từ một địa phương này sang một địa phương khác của một Bên ký kết, được quá cảnh qua lãnh thổ Bên ký kết kia dưới sự giám sát của hải quan và các cơ quan có thẩm quyền khác.
  2. Hai Bên ký kết tạo điều kiện thuận lợi cho việc quá cảnh hàng hoá bằng đường bộ qua các cặp cửa khẩu biên giới giữa hai nước, không gây trở ngại về mặt thời gian, không ban hành những quy định gây cản trở không cần thiết trong quá trình quá cảnh và không thu thuế xuất nhập khẩu, thuế nội địa và các khoản phí không cần thiết đối với hoạt động quá cảnh tại nước cho quá cảnh.

 

Điều 2

Một số thuật ngữ trong Hiệp định được hiểu như sau :

  1. Quá cảnh hàng hoá là việc vận chuyển hàng hoá thuộc sở hữu của pháp nhân, thể nhân của nước xin quá cảnh qua lãnh thổ của nước cho quá cảnh bằng đường bộ, kể cả việc trung chuyển, chuyển tải, lưu kho, chia tách lô hàng, thay đổi phương thức vận tải hoặc các công việc khác đang được thực hiện trong thời gian quá cảnh dưới sự giám sát của hải quan và các cơ quan thẩm quyền khác.
  2. Nước xin quá cảnh là nước có pháp nhân, thể nhân sở hữu hàng hoá quá cảnh.
  3. Nước cho quá cảnh là nước cho thực hiện quá cảnh hàng hoá qua lãnh thổ nước đó.
  4. Chủ hàng là pháp nhân, thể nhân sở hữu hàng hoá quá cảnh.
  5. Người chuyên chở là pháp nhân được chủ hàng uỷ quyền hợp pháp vận chuyển hàng hoá quá cảnh.

 

Điều 3

Việc vận chuyển quá cảnh hàng hoá phải tuân thủ các quy định sau :

1.Việc vận chuyển hàng hoá quá cảnh trong quá trình quá cảnh phải tuân thủ những quy định của hải quan và các quy định pháp luật khác có liên quan của nước cho quá cảnh và các điều ước quốc tế mà hai Bên ký kết tham gia hoặc là thành viên.

2.Số lượng, chủng loại hàng hoá vận tải qua cửa khẩu cuối cùng của nước cho quá cảnh phải đúng như số lượng, chủng loại hàng hoá qua cửa khẩu đầu tiên của nước cho quá cảnh, và hàng hoá phải còn nguyên đai, nguyên kiện và nguyên niêm phong hải quan.

Trong quá trình vận chuyển, lưu kho trên lãnh thổ nước cho quá cảnh, nếu hàng hoá bị hư hỏng, tổn thất thì chủ hàng hoặc người chuyên chở phải kịp thời thông báo cho hải quan nơi xẩy ra sự cố và/hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác phù hợp với quy định của pháp luật của nước cho quá cảnh để lập biên bản xác nhận tình trạng hàng hoá. Những nơi chưa có trụ sở hải quan thì chủ hàng hoặc người chuyên chở phải thông báo cho chính quyền địa phương nơi gần nhất để lập biên bản xác nhận tình trạng hàng hoá.

  1. Hàng hoá quá cảnh được miễn kiểm tra hải quan tại cửa khẩu, miễn áp tải trên lãnh thổ của nước cho quá cảnh theo quy định của hải quan nước cho quá cảnh. Việc kiểm tra hàng hoá quá cảnh chỉ áp dụng trong trường hợp có nghi vấn hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
  2. Nếu hàng hoá quá cảnh cần lưu kho, lưu bãi tại nước cho quá cảnh thì phải được các cơ quan có thẩm quyền của nước cho quá cảnh cho phép về thời gian, địa điểm, và chịu sự giám sát của hải quan nước cho quá cảnh.

 

Điều 4

Việc quá cảnh hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu của mỗi Bên ký kết được quy định như sau :

  1. Không được phép quá cảnh hàng hoá bị cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, cấm vận chuyển theo các điều ước quốc tế mà hai Bên ký kết tham gia hoặc là thành viên hoặc hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu của hai Bên ký kết, trừ khi được quy định khác trong Hiệp định này.
  2. Quá cảnh vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ và trang thiết bị quân sự phục vụ mục đích an ninh quốc phòng phải được Thủ tướng Chính phủ nước cho quá cảnh cho phép tuân theo pháp luật có liên quan của nước cho quá cảnh sau khi có văn bản đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương nước xin quá cảnh gửi cho Bộ trưởng Bộ Công Thương nước cho quá cảnh.
  3. Quá cảnh hàng hoá thuộc Danh mục hàng hoá cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu của nước cho quá cảnh nhưng không thuộc Danh mục đã nêu của nước xin quá cảnh phải được Bộ trưởng Bộ Công Thương nước cho quá cảnh cho phép sau khi có văn bản đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương của nước xin quá cảnh.
  4. Hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu khi được phép quá cảnh phải được vận chuyển theo đúng các quy định trong giấy phép quá cảnh, bao gồm đi đúng tuyến đường bộ, đúng cặp cửa khẩu, đúng loại phương tiện vận chuyển, đúng trọng tải của từng phương tiện vận chuyển và đúng thời hạn và phải chịu sự giám sát của hải quan và các cơ quan có thẩm quyền khác của nước cho quá cảnh.
  5. Danh mục hàng hoá cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu của mỗi Bên ký kết được quy định theo pháp luật của mỗi Bên ký kết. Những danh mục đó, gồm Danh mục của phía Việt Nam và Danh mục của phía Lào, phải được Bộ Công Thương hai nước thông báo cho nhau bằng văn bản bằng tiếng Anh trong vòng 60 ngày kể từ ngày ký Hiệp định. Các danh mục này có thể thay đổi, khi có sự thay đổi danh mục hai Bộ Công Thương phải kịp thời thông báo cho nhau bằng văn bản và danh mục mới sẽ tự động thay thế cho danh mục trước.

 

Điều 5

Đối với các loại hàng hoá không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 4, khi quá cảnh qua các cặp cửa khẩu được nêu tại Điều 6, Chủ hàng hoặc người chuyên chở chỉ cần làm thủ tục cho hàng hoá quá cảnh tại cửa khẩu, không phải xin giấy phép quá cảnh tại Bộ Công Thương nước cho quá cảnh.

 

Điều 6

Hàng hoá quá cảnh được phép qua các cặp cửa khẩu và các tuyến đường nối sau :

Cửa khẩu của Việt Nam Tuyến đường nối Cửa khẩu của Lào
Lao Bảo (Quảng Trị) Đường 9 Đen-sa-vẳn (savannakhet)
Cầu Treo (Hà Tĩnh) Đường 8 Nặm Phao (Bolykhămxay)
Na Mèo (Thanh Hoá) Đường 217 Nậm Xôi (Hủa Phăn)
Cửa khẩu của Việt Nam Tuyến đường nối Cửa khẩu của Lào
Tây Trang (Điện Biên) Đường 42 Pang Hốc (Phongxalỳ)
Nậm Cắn (Nghệ An) Đường 7 Nặm Cắn (Xiêng Khoảng)
Cha Lo ( Quảng Bình) Đường 12 Na Phàu (Khăm Muộn)
Bờ Y (Kon Tum) Đường 18 Phu cưa (Attapư)

 

Nếu các Bên ký kết có nhu cầu và sau khi trao đổi thống nhất sẽ mở tiếp một số cặp cửa khẩu khác để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá quá cảnh.

 

Điều 7

1.Cấm phân phối, buôn bán và tiêu thụ hàng hoá quá cảnh thuộc danh mục hàng hoá cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu trên lãnh thổ nước cho quá cảnh.

  1. Đối với các loại hàng hoá quá cảnh không thuộc danh mục nêu tại khoản 1 Điều này, việc tiêu thụ trên lãnh thổ nước cho quá cảnh chỉ được tiến hành trong trường hợp bất khả kháng, phải được Bộ trưởng Bộ Công Thương nước cho quá cảnh cho phép và chịu thuế và các lệ phí khác theo quy định của nước cho quá cảnh.

 

Điều 8

1.Các khoản phí và lệ phí liên quan như phí đường bộ, khoản thu đối với vận tải quá trọng tải, khoản thu về thực hiện các thủ tục hành chính, khoản thu áp dụng cho việc sử dụng các cơ sở vật chất hay dịch vụ khác, thuế và phí nhiên liệu áp dụng cho nhiên liệu được mua tại nước cho quá cảnh và khoản thu bảo trì đường bộ sẽ được thực hiện theo quy định của nước cho quá cảnh.

  1. Các khoản phí và lệ phí liên quan được thanh toán bằng đồng tiền nội tệ của nước cho quá cảnh hoặc đồng tiền chuyển đổi tự do phù hợp với quy định về quản lý ngoại hối của mỗi nước.

 

Điều 9

  1. Hàng hoá quá cảnh phải được vận chuyển bởi người chuyên chở được cấp phép hoặc uỷ quyền hợp pháp phù hợp với pháp luật của mỗi Bên ký kết.
  2. Việc quá cảnh phương tiện vận chuyển và người áp tải cũng như việc sang mạn, chuyển phương tiện phải tuân thủ các điều ước quốc tế mà hai Bên ký kết tham gia hoặc là thành viên. Trong trường hợp các điều ước quốc tế mà hai Bên ký kết tham gia hoặc là thành viên chưa quy định thì thực hiện theo các quy định pháp luật của nước cho quá cảnh.

 

Điều 10

Hai Bên ký kết thoả thuận sẽ uỷ quyền cho Bộ Công Thương nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Công Thương nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào căn cứ vào thực tế từng thời kỳ, ký các thoả thuận quy định các mẫu chứng từ cụ thể, trong đó có bộ chứng từ vận tải quá cảnh, để thực hiện Hiệp định này.

 

Điều 11

Bất kỳ hành vi nào của chủ hàng hoặc người chuyên chở vi phạm pháp luật của nước cho quá cảnh trong quá trình quá cảnh sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật có liên quan của nước cho quá cảnh.

 

Điều 12

Các tranh chấp phát sinh trong việc giải thích và thực hiện Hiệp định này sẽ do các đại diện có thẩm quyền của hai Bên ký kết tham vấn giải quyết thông qua đường ngoại giao.

 

Điều 13

Trong thời hạn hiệu lực của Hiệp định, nếu một trong hai Bên ký kết muốn bổ sung thêm hoặc sửa đổi các điều khoản đã ký kết thì phải đề nghị bằng văn bản. Trong vòng 90 ngày kể từ khi nhận được đề nghị, Bên ký kết kia phải trả lời chính thức bằng văn bản. Các điều khoản được sửa đổi hoặc bổ sung đã được hai Bên ký kết đồng ý được coi là một bộ phận cấu thành không thể tách rời của Hiệp định này và có cùng hiệu lực như bản Hiệp định này

 

Điều 14

  1. Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày ký và có hiệu lực trong vòng hai (2) năm. Nếu trong vòng 60 ngày trước khi Hiệp định hết hiệu lực, không Bên ký kết nào đề nghị bằng văn bản qua đường ngoại giao về việc chấm dứt hiệu lực của Hiệp định, Hiệp định sẽ được mặc nhiên gia hạn thêm một (1) năm. Thể thức gia hạn này sẽ được tiếp tục áp dụng tương tự cho các năm tiếp theo.
  2. Trong trường hợp một Bên ký kết đề nghị bằng văn bản qua đường ngoại giao về việc chấm dứt hiệu lực của Hiệp định, Hiệp định sẽ hết hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày Bên ký kết kia nhận được một đề nghị như vậy.
  3. Trong trường hợp chấm dứt Hiệp định thì các điều khoản của Hiệp định này vẫn được áp dụng cho các thoả thuận có liên quan đã được ký kết trước khi Hiệp định chấm dứt cho đến khi thực hiện xong. Hiệp định này thay thế cho Hiệp định quá cảnh hàng hoá giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ký ngày 23 tháng 4 năm 1994 và sửa đổi ngày 18 tháng 1 năm 2000.

Làm tại Viêng Chăn ngày 13 tháng 03 năm 2009 thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Lào và tiếng Anh, các văn bản có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự hiểu khác nhau giữa các văn bản, văn bản tiếng Anh sẽ được dùng làm cơ sở giải thích.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG




Vũ Huy Hoàng
THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HOÀ DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG




Nam Vi-nhạ-kệt

 

02393 868709
02393868709